Thứ Năm, 20 tháng 1, 2011

Trung Quốc xây tuyến đường sắt cao tốc đến Singapore qua Việt Nam

Thụy My (RFI)

Theo tờ China Daily, Trung Quốc sẽ xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc nối liền khu tự trị dân tộc Choang ở Quảng Tây, miền nam Trung Quốc với Singapore. Tuyến đường này sẽ băng ngang qua lãnh thổ Việt Nam. Dư luận cho rằng mục đích của Bắc Kinh là để duy trì vị trí thống lĩnh trong khu vực, giành ảnh hưởng với Tokyo.

Trong giai đoạn đầu tiên sẽ được khởi công từ giữa năm 2011, tuyến đường này sẽ nối thủ phủ Nam Ninh của Quảng Tây với thành phố Bình Hương của tỉnh Giang Tây, ở gần biên giới Trung – Việt. Tờ China Daily dẫn nguồn tin từ Ủy ban Cải cách Phát triển cho biết, tuyến đường sắt cao tốc trên là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Nam Ninh trong 5 năm tới, sẽ làm tăng lượng trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.

Tàu cao tốc Trung Quốc.
Nguồn: wikipedia

Giám đốc Sở Giao thông Nam Ninh nói rằng, tuyến đường sắt cao tốc chạy đến Singapore ngang qua Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xây dựng hành lang kinh tế Nam Ninh – Singapore. Hành lang này bắt đầu từ Nam Ninh của Quảng Tây, chạy qua thủ đô Hà Nội của Việt Nam, sang Vientiane (Lào), Phnom Penh (Cam Bốt), Bangkok (Thái Lan) và Kuala Lumpur (Malaysia) trước khi đến Singapore. Cũng theo tờ China Daily, như vậy Quảng Tây sẽ trở thành trung tâm buôn bán của toàn khu vực với ASEAN là khối đối tác thương mại lớn nhất.

Theo ông Ma Biao (Mã Tiêu), chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc sẽ đầu tư vào tuyến đường sắt này khoảng 300 tỉ yuan (tương đương 45 tỷ đô la) trong vòng 5 năm tới. Riêng đoạn đường từ thành phố Nam Ninh (Quảng Tây) đến thành phố Bình Hương (Giang Tây) sẽ được khởi công trong nửa thứ hai của năm nay.

Tờ báo trên mạng FastCompany nhận định, Bắc Kinh loan báo tin xây dựng tuyến đường sắt cao tốc vào thời điểm Trung Quốc và Nhật Bản đang tranh giành ảnh hưởng trong khu vực, đặc biệt là đối với Việt Nam. Điều này làm người ta phải đánh một dấu hỏi, vì sao dấu nhấn được đặt vào một tỉnh giáp biên giới với Việt Nam ? Tờ báo cho rằng, trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa kết thúc hôm thứ hai, rõ ràng là Trung Quốc muốn duy trì vị trí thống lĩnh của mình trong khu vực, cho dù không phải là thành viên chính thức của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

Thông tin quan trọng về tổ chức Quân đội Trung Quốc - Used to be Top Secret

Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc là đội quân đông đảo nhất thế giới. Việc nghiên cứu lực lượng này gặp rất nhiều khó khăn bởi cơ cấu của nó hoàn toàn bí mật với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, bằng nhiều phương thức khác nhau giới quân sự vẫn tiếp cận được những thông tin quan trọng về cơ cấu tổng thể quân chủng, qua đó đánh giá được mạnh yếu của đội quân này.

Chủ tịch Quân ủy TW Trung Quốc Hồ Cẩm Đào

Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc là Ủy ban Quân sự Trung Ương (Quân ủy) trực thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc. Chủ tịch Quân ủy Trung Ương là ông Hồ Cẩm Đào, hai Phó chủ tịch là Thượng tướng Quách Bá Hùng và Thượng tướng Từ Tài Hậu. 8 ủy viên còn lại trong Quân ủy TW đều mang quân hàm thượng tướng.

Ủy ban Quân sự TW nắm quyền lãnh đạo toàn bộ 4 quân chủng của Quân đội Trung Quốc (gồm: Lực lượng hạt nhân chiến lược - Trung Quốc gọi là lực lượng pháo binh thứ 2 hay Nhị pháo; Hải quân, Lục quân, Không quân) và 7 đại quân khu. Quân đội Trung Quốc hiện có 1 Bộ tổng tham mưu và 3 tổng cục là: Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Trang bị.

Về mặt lãnh thổ, lực lượng vũ trang của Trung Quốc được chia làm 7 Đại quân khu gồm: Thẩm Dương, Bắc Kinh, Lan Châu, Tế Nam, Nam Kinh, Quảng Châu và Thành Đô. Sự điều động quân sự với lực lượng lớn hơn một tiểu đoàn giữa các Đại quân khu phải nhận được sự cho phép của Quân ủy TW.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc là cơ quan chỉ đạo công tác xây dựng quân đội thường xuyên. Tổng cục Chính trị là cơ quan chịu trách nhiệm về công tác đảng, công tác chính trị và tuyên truyền. Đảng Cộng sản trong Quân đội Trung Quốc được tổ chức ở tất cả các khâu và xuyên suốt từ thấp đến cao. Quân đội Trung Quốc cũng thực hiện chế độ Chính ủy, Chính trị viên (giống như ở Việt Nam hiện nay).

Trung Quốc thực hiện chế độ tuyển quân bắt buộc với tuổi nhập ngũ là 18. Thời hạn phục vụ trong quân đội của binh sĩ nghĩa vụ Trung Quốc kéo dài 2 năm. Quân đội Trung Quốc cũng thực hiện chế độ phục vụ hợp đồng (ở Việt Nam là công nhân viên chức quốc phòng) với thời hạn từ 3-30 năm.

Từ năm 1985 đến nay, quân số thường trực của Quân đội Trung Quốc liên tục giảm mạnh từ 4,238 triệu xuống còn 2,3 triệu quân. Nam giới trong độ tuổi từ 18-35 nếu không đi lính nghĩa vụ sẽ được ghi danh vào lực lượng dự bị với quân số lên tới 36,5 triệu, trong đó có 800.000 quân dự bị thực thụ.

Ngoài ra, Quân đội Trung Quốc còn có một lực lượng có nhiệm vụ thực hiện các nhiệm vụ trong nước (bảo vệ biên giới, tài nguyên, các công trình, cơ sở hạ tầng kinh tế và quốc gia quan trọng, các nhà tù và duy trì ổn định nội địa…). Trung Quốc gọi lực lượng này là Cảnh sát vũ trang. Tuy nhiên, lực lượng này đã bị cắt giảm mạnh khi chỉ còn 660.000 quân (năm 2006, lực lượng này lên tới 1,5 triệu quân).

Trung Quốc liên tục tăng nhanh ngân sách quốc phòng nhằm tăng cường khả năng chiến đấu trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao. Tốc độ tăng chi phí quốc phòng của Trung Quốc thường xuyên gấp 1,5-2 lần tốc độ tăng trưởng GDP, tương đương khoảng 14-18%/năm.

Năm 2001, chi phí quốc phòng của Trung Quốc chỉ là 17,4 tỷ USD, nhưng đến năm 2009, con số này đã tăng vọt lên 70,2 tỷ USD. Trong khí đó, nhiều chuyên gia quân sự nhận định rằng con số thực tế còn cao hơn từ 1,5-3 lần so với các số liệu công khai kể trên.

Trong quá trình cải cách, Quân đội Trung Quốc được phép tiến hành các hoạt động thương mại như: Kinh doanh các câu lạc bộ đêm, buôn bán bất động sản và vận hành các công ty khai mỏ. Theo đánh giá của phương Tây, Quân đội Trung Quốc hiện có khoảng 15.000 công ty các loại với tổng thu nhập hàng năm lên tới 18 tỷ USD.

Những điểm mạnh của Quân đội Trung Quốc được cho là nằm ở: nguồn lực con người gần như vô tận, lực lượng hạt nhân chiến lược, tên lửa đạn đạo các loại và địa hình phức tạp có thể tạo chiều sâu chiến lược. Ngoài ra, Quân đội Trung Quốc sẵn sàng chịu tổn thất lớn về mặt con người để đạt được mục tiêu tác chiến.

Điểm yếu của Quân đội Trung Quốc là sự lỗi thời, lạc hậu. Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tục đưa vào trang bị các loại vũ khí hiện đại như máy bay chiến đấu, tàu ngầm, pháo, tên lửa… nhưng trên thực tế phần lớn vũ khí còn lại của họ đều đã lạc hậu. Hơn 70% xe tăng, 80% máy bay chiến đấu của Trung Quốc được sản xuất dựa trên nguyên mẫu của Liên Xô từ những năm 50-60 của thế kỷ trước và không thể đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại.

Bên cạnh đó, khả năng bảo đảm hậu cần, chỉ huy thông tin liên lạc, khả năng tình báo trinh sát và tác chiến điện tử của Trung Quốc vẫn rất yếu kém.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc mua rất nhiều các mẫu trang bị vũ khí hiện đại của nước ngoài như Nga, Pháp, Italia…Họ còn tiến hành tự sản xuất các mẫu này mà không có giấy phép bằng cách tổng hợp các loại công nghệ của Nga và các nước phương Tây.

Trong bài viết tiếp theo, tác giả sẽ cùng quý vị độc giả đi sâu vào tìm hiểu tổ chức lực lượng, quân số cụ thể của các quân, binh chủng và tổng quan trang bị vũ khí của Quân đội Trung Quốc.

Hình ảnh về quân đội Trung Quốc:











Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2011

Tranh cãi lý luận vẫn quan trọng với Việt Nam?



Nguyễn Giang

BBCVietnamese.com

Trong lúc quốc tế chú ý xem khả năng chi trả tín dụng tại Việt Nam đến đâu, tranh cãi trong nước về đường lối xã hội chủ nghĩa vẫn gay gắt trước Đại hội Đảng có

Trong tài liệu công bố mới đây mà người ta cho là của các cựu tổng bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, và ủy viên Bộ chính trị Nguyễn Đức Bình, phe kiên định cộng sản thẳng tay phê phán đề nghị cải tổ hệ thống của cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An.

Ông Nguyễn Văn An, trong bài trả lời phỏng vấn báo Việt Nam hồi đầu tháng 12/2010, lỗi hệ thống ở Việt Nam nằm ở chỗ Đảng Cộng sản "chưa hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ đã vội chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa".

Nay, các lá thư được nói là của các ông Lê Khả Phiêu và Nguyễn Đức Bình cho rằng bài viết của ông Nguyễn Văn An, người mà họ vẫn gọi là ‘đồng chí’, đã "đi ngược lại đường lối chính trị của Đảng".

Trong một diễn biến như để cảnh cáo những ai hy vọng có thay đổi về lý luận tại Đại hội này, ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị ngay hôm qua 10/1 đã chủ trì cuộc họp báo, nơi Đảng kiên quyết bác bỏ "nhu cầu đa nguyên" về chính trị tại Việt Nam.

Kinh tế và đối ngoại

Nhưng chính việc tranh cãi về lý luận vốn ngày càng cũ kỹ và xa lạ với sinh hoạt kinh tế quốc tế này đang có khả năng tác động mạnh đến cách Đảng chọn lãnh đạo.

Hai ông Phiêu và Bình được trích lời đề nghị TBT Nông Đức Mạnh và Ban lãnh đạo "đấu tranh bảo vệ đường lối của Đảng, luôn cảnh giác với nguy cơ đi chệch hướng cách mạng, đồng thời từ đường lối mà lựa chọn nhân sự Trung ương, nhất là nhân sự chủ chốt".

Họ cũng cáo buộc ông Nguyễn Văn An "đòi từ bỏ chủ nghĩa Mác".

Dù tại Việt Nam ngày nay, người dân chỉ "quan tâm kiếm tiền hàng ngày", như mô tả của Margie Mason (AP) trong bài về Đại hội Đảng XI từ Hà Nội, Đảng Cộng sản vẫn dùng lý luận về chủ nghĩa xã hội để uốn nắn đường lối kinh tế.

Tuy thế, hiện chưa rõ có phải vì lý do chủ nghĩa, hay vì tâm lý ‘Ta-Địch’ khiến người ta nghĩ ‘doanh nghiệp của ta’ thì phải giữ bằng mọi giá, và được ưu tiên hơn tư nhân hay tư bản nước ngoài.

Về đối ngoại, mô hình Leninist trong công an và quân đội có thể khiến các đồng minh tiềm năng tại Phương Tây phải đặt câu hỏi liệu ứng viên Việt Nam có hoàn toàn đánh tin cậy hay không, một khi xảy ra xung khắc quyền lợi giữa họ với đối thủ Trung Quốc.

Bởi ngày nay, Phương Tây ngày càng gần đến quan điểm rằng ủng hộ cho một hệ thống chính trị theo những giá trị khác với họ, ví dụ như ở Trung Đông hay Pakistan, là chiến lược chứa đựng nhiều rủi ro.

Bên cạnh đó, mâu thuẫn nhân quyền và tôn giáo đến từ cái nhìn ý thức hệ hạn hẹp tại Việt Nam cũng sẽ tiếp tục thu hút phê phán không đáng phải có từ các giới ở Âu Mỹ.

Phần nghi lễ: các đại biểu dự Đại hội XI thăm lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

‘Sự cố Marchant’ ở Huế gần đây có thể sẽ khiến tân Đại sứ David Shear phải xem lại đường lối ‘thuyết phục, khuyến khích là trên hết’ với Việt Nam có thẩm thấu tới các địa phương.

Trước khi sang Việt Nam, ông Shear dự kiến sẽ phải điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ khóa 112 vừa có thêm đông đảo các dân biểu Cộng Hòa theo phái cứng rắn, bảo thủ.

Nếu ban lãnh đạo mới tại Việt Nam không giúp được gì lại còn làm khó cho khối hành pháp Mỹ của Tổng thống Obama đang bị Quốc hội tấn công nhiều mặt, thì đường lối của Mỹ với Việt Nam sớm muộn cũng sẽ phải đổi.

Bỏ sang một bên các ‘ân oán’ từ thời chiến với Hoa Kỳ thì công bằng mà nói, Việt Nam được dư luận quốc tế khen ngợi thời gian qua không phải là vì ngày càng đi vào con đường xã hội chủ nghĩa, mà là các nỗ lực hội nhập với trào lưu chung.

Niềm tin và kỹ năng

Đại hội XI vì vậy sẽ phải chọn lựa hoặc là những người chuyên thuyết giảng về đường lối xã hội chủ nghĩa mông lung, hoặc các lãnh đạo có tài kinh bang tế thế, hay ít ra là những gương mặt có khả năng quản trị.

Không ai cấm các đảng viên cộng sản ở Việt Nam tin vào chủ nghĩa xã hội hay bất cứ điều gì khác vì niềm tin của con người là điều người ta tự hào.

Lãnh đạo Singapore không bắt ai theo tín ngưỡng riêng của các bộ trưởng

Trang nhà của chính phủ Singapore có tiểu sử của các bộ trưởng với mục học thức (đa số tốt nghiệp các đại học Anh hoặc Mỹ), và phần tín ngưỡng ghi rằng một số vị theo Thiên Chúa giáo.

Dù vậy, niềm tin tôn giáo của riêng họ không phải là tiêu chí chọn công chức chuyên nghiệp cho Singapore.

Nhưng tại Việt Nam, việc áp đặt niềm tin của riêng ban lãnh đạo Đảng cho mọi công dân, từ học đường tới cơ chế tuyển chọn công chức vừa gây phí phạm thời gian, vừa tạo cơ hội tham nhũng trong thi cử về đạo đức chính trị.

‘Con người xã hội chủ nghĩa’ tại Việt Nam nay là hiện tượng mang tính phổ biến, hay chỉ là đặc thù của Việt Nam?

Còn về kỹ năng, sau hơn 20 năm Đổi mới, Việt Nam vẫn chưa có được những lãnh đạo cao cấp nhất giỏi ngoại ngữ để giao tiếp bình thường, làm bạn với các lãnh đạo quốc tế mà không cần phiên dịch.

Hà Nội từng có nhiều đồng minh một phần nhờ các mối giao hảo trực tiếp, thân tình giữa các lãnh tụ cộng sản như ông Hồ Chí Minh với các nhân vật nước ngoài, từ Trung Quốc, Liên Xô đến Ấn Độ.

Ngày nay, các lãnh đạo Việt Nam có vẻ như không có bạn thân quốc tế mà chỉ gặp quan chức nước ngoài ở những buổi giao tiếp chính thức, nơi họ cũng không bày tỏ được gì nhiều vì rào cản ngôn ngữ.

Đây chỉ là một ví dụ nhỏ để thấy sự trái ngược giữa tiêu chuẩn bên trong hệ thống, thậm chí tụt lùi đi so với trước, và nhu cầu thực tế bên ngoài đòi hỏi ngày càng cấp bách.

Và nhiều khi, tiêu chuẩn chọn lãnh đạo cũng khá đơn giản: như London bầu ra thị trưởng Boris Johnson với khẩu hiệu tranh cử là giảm bớt lượng xe hơi vào thành phố gây ách tắc và ô nhiễm.

Ông Johnson đã làm được điều này bằng cách áp đặt một lệ phí cho xe hơi, đi kèm hệ thống cho mượn xe đạp công cộng, khiến xe hơn vào nội đô London giảm tới 30%.

Chẳng cần các tiêu chí xa xôi, chỉ cần sau kỳ đại hội này, Hà Nội chọn được người lãnh đạo giảm được 15% nạn kẹt xe thì đã là một thành công.

Đại hội Đảng dù còn nhiều tính nghi lễ, cũng nên tránh bệnh lễ hội, đi dự cho vui, bầu cho có, và vượt qua hạn chế đặc thù để chọn lãnh đạo trong tinh thần ủng hộ người có tầm nhìn xa và kỹ năng cụ thể, tương xứng với vị thế một dân tộc đã gần 90 triệu dân.

Xã hội Việt Nam trông đợi các quyết định chính trị có sức trẻ và hướng về tương lai

N.G.

Nguồn: BBC

Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2011

UB châu Âu cảnh cáo Hungary về vụ bùn đỏ

http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20110114-ub-chau-au-canh-cao-hungary-ve-vu-bun-do
Thảm họa bùn đỏ tại Hungary  xảy ra hôm 4/10/2010
Thảm họa bùn đỏ tại Hungary xảy ra hôm 4/10/2010
REUTERS
Thụy My
Lẽ ra không nên cho phép xây dựng nhà máy bauxite nơi xảy ra thảm họa bùn đỏ rại Hungary vào năm ngoái. Ủy ban châu Âu hôm qua đã nhận định như trên, và không loại trừ khả năng tiến hành thủ tục trừng phạt.

Phát ngôn viên Ủy ban phụ trách về môi trường, ông Jo Hennon, trong cuộc họp báo hôm thứ năm đã cho biết rõ : « Việc chọn lựa địa điểm tại khu vực mang nhiều rủi ro là sai lầm, và lẽ ra không nên cho phép xây dựng nhà máy này ». Ủy ban châu Âu đã gửi thư cho chính quyền Hungary, và đang chờ đợi câu trả lời.
Ông Hennon nói thêm, « Chúng tôi chờ đợi thông tin về nhiều điểm để có thể biết được có cần thiết tiến hành thủ tục trừng phạt hay không ».
Một đạo luật của châu Âu từ năm 2008 đã quy định về việc cho phép các hoạt động công nghiệp và nông nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm cao, đặc biệt về các chất thải làm ô nhiễm không khí, nước và đất.
Xin nhắc lại, hôm 4/10/2010, một bồn chứa của nhà máy bauxite nhôm Ajka cách thủ đô Budapest 160km bị nứt, đã làm tràn 700 ngàn mét khối bùn đỏ độc hại ra các làng mạc xung quanh. Đây là tai nạn công nghiệp trầm trọng nhất trong lịch sử Hungary, làm cho 10 người chết và 150 người bị thương.

Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

Khi bộ trưởng giao thông vận tải không biết về đường sắt! :((

12/01/2011
TS Trần Đình Bá – Hội Kinh tế & Vận tải đường sắt Việt Nam
“Thật đáng tiếc cho Bộ trưởng Giao thông Vận tải không biết về tầm quan trọng đặc biệt của Đường sắt và quốc gia và luật Đường sắt Việt Nam”, đó là tâm sự đầy nhức nhối của TS Trần Đình Bá – Hội Kinh tế & Vận tải đường sắt Việt Nam với các báo giới sau khi Bộ trường Hồ Nghĩa Dũng lại tuyên bố “Tái khởi động đường sắt cao tốc là cần thiết và đúng luật, sẽ trình lại Quốc hội dự án đường sắt cao tốc” và tiếp tục thuê chuyên gia Nhật Bản nghiên cứu đường sắt cao tốc Hà Nội – Vinh và TP HCM – Nha Trang (03/01/2011).
Để rộng đường dư luận, tòa soạn xin đăng toàn văn quan điểm của tiến sỹ!
Đường sắt là một loại hình giao thông cơ giới ra đời sớm nhất mà nay đang trở thành phương tiện giao thông “Vua”, được tất cả các nước trên thế giới trân trọng gọi là “đường sắt quốc gia” hay “đường sắt chiến lược”.
Nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt này, nước ta đã xây dựng luật Đường sắt Việt Nam lần đầu tiên với 8 chương, 114 điều đã được Quốc hội thông qua trong phiên họp ngày 19/5/2005, và có hiệu lực thi hành từ tháng 1/2006. Song thật đáng tiếc trong quá trình hành pháp, ngành chủ quản là Bộ Giao thông Vận tải, đứng đầu là Bộ trưởng đã sai lầm khi lập dự án đường sắt cao tốc mà Quốc hội bác theo đúng luật đường sắt Việt Nam, giờ đây lại hăng hái tuyên bố sẽ tiếp tục trình lại Quốc hội về hai tuyến đường sắt cao tốc do nhóm chuyên gia của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện!
Khi siêu dự án về đường sắt cao tốc coi luật đường sắt Việt Nam, luật Xây dựng… chỉ là cái đinh!
Không thể đi hết thế giới để trải nghiệm nhưng hầu hết các quốc gia văn minh có nền Dân chủ lập hiến thì các dự án nghiên cứu tiền khả thi hay khả thi về đầu tư thì chương mục quan trọng đầu tiên phải là “Cơ sở pháp lý để lập dự án”. Đó là luật và các văn bản dưới luật cùng các tài liệu quy hoạch, thỏa thuận giao đất, các tài liệu liên quan… để khởi động dự án trong trạng thái hợp hiến và hợp pháp để đảm tính khả thi trước khi thỏa sức mô tả tầm vóc tối quan trọng – hay quan trọng – của “sự cần thiết phải đầu tư”.
Việt Nam là một quốc gia Dân chủ lập hiến, “Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật” thì siêu dự án đường sắt cao tốc 56 tỷ USD vào hàng lớn nhất thế giới phải dựa vào luật của chính nước sử dụng, đó là Việt Nam. Thật đáng tiếc là Luật đường sắt Việt Nam quy định cụ thể rõ ràng về quy định lập dự án, thiết kế, thẩm định, sử dụng đất đai, hành lang an toàn, quản lý khai thác, bảo vệ an toàn, đảm bảo an ninh, thẩm tra thẩm định, quy định công lệnh chạy tàu, quy định kết nối mạng đường ray… chỉ cho đường sắt Quốc gia và đường sắt Đô thị mà không hề có lấy một điều khoản nào quy định cho đường sắt cao tốc. Luật là “con đẻ” của Hiến pháp dân chủ, thể chế hóa đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, nguyện vọng toàn dân, được thông qua Quốc hội chưa cho phép sự có mặt đường sắt cao tốc do trong quá trình xây dựng luật, các đại biểu của dân khi thảo tuận về luật coi đây là một loại hình giao thông siêu hiện đại đắt tiền, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế, địa hình, khí hậu, phân bố dân cư cùng chiến lược kinh tế xã hội hay quốc phòng – an ninh của Việt Nam nên đã không đưa vào luật đường sắt Việt Nam.
Do chưa có hành lang pháp lý cho đường sắt cao tốc nên Luật Xây dựng, luật Doanh nghiệp, luật đầu tư, Tài nguyên môi trường, Năng lượng, Quốc phònmg – An ninh… vẫn chưa có điều khoản nào làm lối mở cho đường sắt cao tốc từ tiêu chuẩn thiết kế, thẩm định, lập dự án, định mức, đơn giá, tỷ suất đầu tư… để tính ra giá thành, xét đến an toàn môi sinh môi trường, sử dụng quỹ đất, xử lý khi có tranh chấp và xử lý bồi thường khi có sự cố, v. v.
Không dám kể ra nhiều tiêu chí, chỉ trong diện hẹp về kinh tế thì việc lập dự án đường sắt cao tốc tại Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng luật đường sắt Việt Nam và luật Xây dựng cơ bản. Con số 55, 7654321 tỷ USD – làm tròn 56 tỷ USD – cho 1570 km đường sắt cao tốc để báo cáo trước Quốc hội chỉ là chuyện “ phịa “ vì không có một cơ sở pháp lý nào để đưa vào tính khái toán cho dự án. Tỷ suất đầu tư, tức đơn giá cho 1 km đường sắt, do Bộ Xây dựng ban hành đang áp dụng hiện nay chỉ dành cho đường sắt quốc gia mà thôi, không thể áp dụng cho đường sắt cao tốc. Còn nếu áp dụng tỷ suất đầu tư của đường sắt cao tốc tại nước ngoài thì hãy tham khảo giá thành được cho là rẻ nhất sau đây: Đài Loan làm 350 km đường sắt cao tốc tốn kém 18 tỷ USD mất 15 năm, ta làm gấp 5 lần số đó nội suy tuyến tính cũng phải 90 tỷ USD chưa tính trượt giá theo thời gian. Như vậy 56 tỷ USD chỉ đủ “thế chấp”. Còn việc dự kiến thời gian thi công 20 năm thì “duy ý chí”, nhanh lắm cũng phải 40 năm. Ngay dự án đường sắt cao tốc do JICA lập, thẩm định dự án là Bộ Kế hoạch Đầu tư và JICA là “vừa đá bóng vừa thổi còi”, vừa làm quản lý Nhà nước vừa làm doanh nghiệp làm trái luật Xây dựng, luật Doanh nghiệp.
JICA là Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, chưa phải là một “doanh nghiệp hành nghề tư vấn thiết kế” nên không thể lập một dự án đầu tư theo luật Xây dựng của Việt Nam.
Không cần đi thuê chuyên gia nước ngoài mà tốn kém ngân sách Nhà nước, một kỹ sư xây dựng – giao thông bình thường của Việt Nam, theo “đơn giá thực tiễn” đường sắt cao tốc tại Đài Loan cũng nội suy tính được 250 km đường sắt cao tốc Hà Nội - Vinh là 12 tỷ USD, 500 km TP HCM – Nha Trang là 25 tỷ USD “để biết có khả thi hay không”. Hội nghị các nhóm tài trợ Quốc tế về ODA vừa họp tại Hà Nội chỉ dành cho Việt Nam 7 tỷ USD chia cho 10 năm và trên nhiều lĩnh vực thì liệu có phép màu nào để đủ vốn 37 tỷ USD cho hai dự án đường sắt cao tốc đã được chia nhỏ để dễ dàng “lọt qua barie” của Quốc hội trí tuệ!?
Còn nhớ khi đưa ra Quốc hội tranh luận dự án đường sắt cao tốc 56 tỷ USD, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hội Kinh tế vận tải đường sắt Việt Nam đã cảnh báo sớm sự mơ hồ khi coi thường luật pháp cũng như hiệu quả kinh tế, thời gian hoàn vốn… TS Vương Đình Khánh – chủ tịch danh dự hội Kinh tế vận tải đường sắt Việt Nam, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam – đã gọi đây là “một dự án được lập với trình độ i - tờ, bỏ qua luật đường sắt Việt Nam”, còn GSTS Phạm Công Hà – Chủ tịch hội Kinh tế & Vận tải đường sắt Việt Nam – cảnh báo “ảo tưởng hành khách” và “mỗi tháng làm một cây cầu Thanh Trì liệu có nổi?”. Họ là những chuyên gia đường sắt kỳ cựu có lương tâm đã sáng suốt và dũng cảm lên tiếng bảo vệ luật đường sắt Việt Nam.
Làm 1570 km đường sắt cao tốc dài nhất thế giới có thay thế được đường sắt quốc gia?!
“Kiên cố hóa toàn bộ 3200 km đường sắt quốc gia khổ 1 mét chỉ để chở hàng hóa, còn đường sắt cao tốc chỉ để chở hàng khách”, Bộ trưởng Giao thông Vận tải đã sai lầm chiến lược khi có tham vọng như vậy!
Đường sắt cao tốc là một loại đường sắt nhẹ tốc độ cao chỉ chở được duy nhất là hàng khách và hành lý theo người, một kiện hàng 500 kg đã không chở được, nên không thể thay thế được vai trò quan trọng đặc biệt của đường sắt quốc gia, càng không thể kết nối vào mạng đường sắt quốc gia cũng như quốc tế! Nó là loại “đường sắt quý tộc”, đại xa xỉ và đắt nhất thế giới. Đài Loan đang phải trả giá cho đường sắt cao tốc do lãng phí, lại lệ thuộc hoàn toàn vào sự điều hành của các chuyên gia nước ngoài, không chỉ một nước mà là đa quốc gia nên gần như mất tính tự chủ và đang thua lỗ.
Cả thế giới mới chỉ có khoảng 4500 km đường sắt cao tốc, ta làm 1570 km đường sắt cao tốc để thay thế đường sắt quốc gia thì quả thực Bộ trưởng Giao thông Vận tải trở thành “người thích đùa”!
Giá trị sử dụng của đường sắt quốc gia cao gấp cả trăm lần so với đường sắt cao tốc vì nó chở được hàng siêu trường siêu trọng, chở nhiều hành khách, giá thành rẻ, hao phí năng lượng ít, chi phí vận hành bảo dưỡng thấp, phù hợp với mọi loại địa hình, khí hậu thời tiết, chở được nhiên liệu, nguyên liệu, xe tăng đại bác nên phù hợp cho cả kinh tế xã hội cũng như quốc phòng và an ninh.
So sánh việc đầu tư 56 tỷ USD cho 1570 km đường sắt cao tốc với việc đầu tư 5-6 tỷ USD để mở rộng và hiện đại hóa toàn bộ 3200 km đường sắt quốc gia khổ 1 mét qua 1. 425 thì hiệu quả đầu tư vào đường sắt quốc gia rẻ hơn 10 lần song giá trị sử dụng cao gấp 100 lần và thời gian thi công lại nhanh hơn, chỉ có 3 năm so với 30 năm của dự án đường sắt cao tốc
(Ảnh : Đường sắt quốc gia khổ 1 mét đang rơi vào thời kỳ phá sản. – nguồn Internet)
Khi Bộ trưởng Giao thông Vận tải đã nói liều trước cả một Quốc hội đầy trí tuệ!
Bộ trưởng “quyết tâm chính trị” hòa mạng bằng được 5 tuyến đường sắt đô thị khổ 1.435 mét vào mạng đường sắt quốc gia trong khi đường sắt của ta vẫn đang duy trì khổ 1 mét thời nô lệ thì làm sao hòa mạng được. Nếu đường sắt quốc gia có mở rộng 1.435 mét vẫn không thể làm vì theo nguyên Tổng cục trưởng Đường sắt Việt Nam Trần Mẫn đã cảnh cáo các Tiến sĩ đường sắt dưới quyền rằng “Các anh ấu trĩ quá, không ai hòa mạng đường sắt đô thị vào đường sắt quốc gia. Vì sao ư? Đó là hai hệ đường sắt khác nhau hoàn toàn, hòa vào để được gì?”. Ông là người gắn cả cuộc đời trai trẻ cho đường sắt một nước Độc lập, được đào tạo cơ bản tại Liên Xô và Trung Quốc, là người chỉ huy đoàn tàu Thống Nhất lịch sử từ TP Hồ Chí Minh vào ga Hà Nội kéo còi báo hiệu thông tuyến xuyên Việt vào tháng 12/1976.
“Việt Nam làm đường sắt cao tốc để hòa mạng quốc tế xuyên Á” theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải là siêu thực vì hiện nay trên thế giới chưa có một quốc gia nào có chiều dài đường sắt cao tốc vượt qua biên giới để nối mạng quốc tế. Đường sắt cao tốc không thể nối mạng vào đường sắt quốc gia vì tải trọng hai loại khác nhau hoàn toàn và ở hai hệ điều hành kỹ thuật độc lập như nguyên Cục trưởng đường sắt Trần Mẫn đã từng cảnh báo cho các tiến sĩ dưới quyển mình.
Sau khi Quốc hội đã biểu quyết bác bỏ mà Bộ trưởng Giao thông Vận tải vẫn tuyên bố “Tái khởi động đường sắt cao tốc là cần thiết và đúng luật, không thể không làm đường sắt cao tốc”, điều đó cho thấy ông Bộ trưởng thực sự vượt trên cả thẩm quyền tối cao của Quốc hội và vượt trên cả luật đường sắt Việt Nam.
Rõ ràng rằng siêu dự án đường sắt cao tốc 56 tỷ USD đã vi phạm luật và Bộ trưởng Giao thông Vận tải cũng đã thực sự liều khi nói ra những điều trước cả một Quốc hội gồm những đại biểu trí tuệ do 86 triệu dân lựa chọn bầu ra trong đó có nhiều Giáo sư Tiến sĩ khoa học ưu tú!
Khi cho rằng “đường sắt nước ta 130 năm lịch sử đã bị lấn chiếm” thì Bộ trưởng đã thổi phồng sự thật và kết tội chính mình vì Nghị định 37/CP về bảo vệ an toàn hành lang đường sắt quốc gia quy định Bộ Giao thông Vận tải phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Cho rằng “mở rộng đường sắt khổ 1.435 m sẽ làm ngưng trệ giao thông suốt 3-4 năm” thì Bộ trưởng đã coi 1000 giáo sư tiến sĩ của Bộ Giao thông Vận tải là vô dụng, chịu “bó tay” và thất bại ê chề trước một hệ thống đường sắt lạc hậu hơn cả thời kỳ nô lệ trước 1945!
Còn nói rằng “Phải kiên cố hóa đường sắt khổ 1 mét chỉ dành để chở hàng hóa” là Bộ trưởng đã công khai giết chết vai trò đường sắt quốc gia để dọn đường cho dự án đường sắt cao tốc thay thế vai trò đường sắt quốc gia!
Thật đáng tiếc, dưới quyền Bộ trưởng Giao thông Vận tải có 1000 giáo sư tiến sĩ trên các lĩnh vực đường sắt, hàng không, đường bộ, đường biển, đường sông, quy hoạch giao thông, kinh tế vận tải, khoa học công nghệ, nhiều luật gia giỏi… của 10 trường đại học, học viện, hàng chục viện nghiên cứu Giao thông Vận tải, các Cục, Vụ, Viện của Bộ làm tham mưu cho Bộ trưởng lại không hiểu về đường sắt, không nắm luật đường sắt Việt Nam, làm tham mưu sai cho Bộ trưởng trong dự án đường sắt cao tốc 56 tỷ USD đầy tai tiếng!
Là bộ chủ quản giúp Quốc hội dự thảo luật đường sắt Việt Nam để thông qua để thực thi mà lại vi phạm luật do chính mình chấp bút thì khác nào xé luật.
Sau 5 năm thực thi luật đường sắt Việt Nam (1906-2010), đường sắt quốc gia đã không được quan tâm mở rộng hiện đại và đang từng ngày từng giờ tụt hậu không phanh, thua xa cả vận tải đường sông và thực sự đang trong thời kỳ phá sản vì thị phần ngày càng giảm dưới 6%!
Đã đến lúc phải nhấn thấy được tầm quan trọng của đường sắt quốc gia là “động mạch chủ”, là phương tiện giao thông vận tải chủ lực chiến lược quan trọng đặc biệt mang tầm vận mệnh Đất nước, là tài sản quốc gia khổng lồ (trị giá tài sản trên 30 tỷ USD) là nguồn lợi to lớn vĩnh cửu của cả một dân tộc phải được hiện đại và khai thác có hiệu quả để phục vụ nhân dân.
Kéo dài sự lạc hậu của đường sắt quốc gia khổ 1 mét thời nô lệ đang là nỗi đau của toàn xã hội và đang từng bước thủ tiêu dần đường sắt quốc gia. Đó là nguyên nhân của thực trạng quá tải và đại họa tai nạn giao thông hiện nay.
Bởi vậy, khi một Bộ trưởng Giao thông Vận tải không biết về tầm quan trọng đặc biệt của đường sắt quốc gia và luật đường sắt Việt Nam thì đó sẽ là tổn thất nặng nề cho Đất nước, hậu quả nhãn tiền đó là tính mạng nhân dân trong thảm họa quốc gia vể tai nạn giao thông mỗi năm làm 13 ngàn người chết, thiệt hại kinh tế 1 tỷ USD và hỗn loạn giao thông tại Việt Nam sẽ còn kéo dài mà không có hồi kết!
T. Đ . B.

Thứ Tư, 5 tháng 1, 2011

Chìa khóa thành công khi làm việc ở Trung Quốc

http://boxitvn.blogspot.com/2011/01/chia-khoa-thanh-cong-khi-lam-viec-o.html

05/01/2011 

(Diễn văn nhận chức Giáo sư danh dự tại đại học Y khoa Hà Nội 12/13/2010)

Thạch Nguyễn MD FACC FSCAI

Thưa quí Thầy, quí Giáo sư và các bạn,
Năm nay đánh dấu 19 năm làm việc của tôi ở Á châu, chủ yếu ở Trung Quốc, Hàn quốc và Việt Nam. Nhân dịp này, tôi xin chân thành cảm ơn GS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, GS Phạm Gia Khải, nguyên Viện trưởng Viện Tim Quốc gia Việt Nam và GS Nguyễn Lân Việt, đương kim Viện trưởng Viện Tim Quốc gia Việt Nam về lòng hiếu khách nồng hậu và mối quan hệ làm việc tốt đẹp trong những chuyến đi Việt Nam của tôi.
Hôm nay, một cơn gió lành (An Phong) đã đưa tôi đến Hà Nội. Buổi lễ chiều nay là kết tinh của những ngày dài rong ruổi ở những thủ đô và thành phố lớn của Á châu, chủ yếu là Trung Quốc. Đây là lần thứ 8 tôi nhận chức giáo sư danh dự hay thỉnh giảng, trong đó có 3 lần từ các Bệnh viện Đại học ở Bắc Kinh và 2 lần từ các Đại học ở Nam Kinh, Trung Quốc. Nhân dịp này, tôi muốn chia sẻ với các GS và các bạn BS trẻ những tâm tình và một vài trải nghiệm về chìa khóa thành công tại Trung Quốc. Những ý tưởng trong bài này đã được phát biểu nhiều lần, đặc biệt là vào năm 2008 tại Quân Y viện Trung Ương 301 ở Bắc Kinh của Quân đội nhân dân Trung Quốc.
Tôi đến Bắc Kinh và Vũ Hán vào mùa thu năm 1992 để dạy kỹ thuật nong động mạch vành tại Hội nghị Tim mạch sông Dương Tử lần thứ ba. Sau khi chứng kiến các BS Trung Quốc học kỹ thuật nong mạch vành do tôi biểu diễn bằng cách quan sát qua màn hình TV, tôi đã đề nghị với GS Dayi Hu áp dụng phương pháp cầm tay chỉ việc như tại các bệnh viện Mỹ. GS Dayi Hu là người bạn thân nhất của tôi tại Trung Quốc, hiện nay là Chủ tịch Hội Tim mạch Trung Quốc. Trong phòng thông tim, các BS Trung Quốc là người thực hiện thủ thuật nong mạch vành, trong khi các chuyên gia Hoa Kỳ đứng ngay sau lưng và giúp họ thực hiện thủ thuật từng bước một. Đây là lần đầu tiên mà phương pháp giảng dạy này được áp dụng ở Trung Quốc. Nó đã rất thành công và được các nhà tim mạch học Trung Quốc tiên phong hoan nghênh nhiệt liệt. Một trong những bác sĩ học viên trẻ lúc bấy giờ nay là một giáo sư tim mạch đầu ngành ở Bắc Kinh và sẽ là Chủ tịch hội Tim mạch học Trung Quốc vào năm 2012.
Phương pháp cầm tay chỉ việc đó cũng đã được áp dụng tại Hà Nội, Việt Nam từ năm 1997, khi phái đoàn các chuyên gia Mỹ đến Việt Nam lần đầu tiên. Giờ đây thì những BS tim mạch của Hà Nội, Sài Gòn, và Huế đã làm rất giỏi các kỹ thuật thông tim, đặt giá đỡ, đốt điện trong buồng tim, đóng các lỗ thông bẩm sinh trong buồng tim. Đó là những đóng góp lớn cho đất nước của cộng đồng tim mạch Việt Nam. Đây là điều làm tôi sung sướng và hãnh diện nhất.
Sau đó năm 1993, tôi tổ chức những khóa học tương tự và xây dựng chương trình tim mạch học can thiệp tại Bệnh viện Chao Yang, một trong những bệnh viện lớn nhất tai Bắc Kinh. GS Dayi Hu và tôi cùng tổ chức lần đầu tiên một hội nghị quốc tế mang tên Vạn Lý Trường Thành mà nay đã trở thành hội nghị tim mạch lớn nhất Trung Quốc.
clip_image002
Bệnh nhân đầu tiên với Tim Mạch Can Thiệp tại BV Chao Yang, Bắc Kinh
Kể từ năm 1992, mỗi năm tôi đều đi dạy học ở Bắc Kinh, Thượng Hải hay Nam Kinh. Năm 1994, một số bạn Việt Nam thắc mắc khi thấy tôi thường xuyên giảng dạy ở Trung Quốc mà tại sao tôi không ghé Việt Nam hay những quốc gia khác.
Tôi trả lời: Có một thôi thúc mãnh liệt khiến tôi muốn đi làm việc nhiều lần ở Trung Quốc là tôi muốn đảo ngược một chiều hướng lịch sử đã kéo dài gần 2000 năm. Trong 20 thế kỷ, các học giả Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật bản đều phải đến Trung Quốc để học về Khổng giáo, hay nghệ thuật trị quốc nào khác. Nay tôi muốn đến Bắc Kinh để dạy lại và đóng góp vào sự phát triển của ngành tim mạch Trung Quốc.
clip_image004
Giảng dạy tại ĐH Tongji, Thượng Hải
Điều gì làm cho những bài giảng của tôi ở Trung Quốc trở thành đặc biệt? Điều gì làm cho những kiến thức mà tôi giảng dạy sẽ khác biệt và hấp dẫn hơn so với những đồng nghiệp người Mỹ khác? Tôi xin kể lại hai câu chuyện về một câu hỏi khó được đặt ra cho tôi khi làm việc tại Bắc Kinh.
Việc thứ nhất là vào năm 2002, trong dịp kỷ niệm 10 năm giảng dạy của tôi ở Trung Quốc, khi kết thúc một cuộc phỏng vấn với một tờ báo Y Khoa Trung Quốc, người phóng viên yêu cầu tôi cho một lời khuyên với cộng đồng bác sĩ tim mạch Trung Quốc. Ngạc nhiên vì tầm vóc và ảnh hưởng quá lớn của câu hỏi này, tôi đã trả lời một cách nhã nhặn: “Trong 10 năm qua, các GS người Mỹ đã đến Trung Quốc để dạy làm các thủ thuật. Sau 10 năm, các BS Trung Quốc đã biết cách làm tất cả các thủ thuật tim mạch trên, và có thể làm giỏi hơn các GS Mỹ. Nên bây giờ các GS Mỹ đến Trung Quốc không phải để chuyển giao những kiến thức có sẵn nữa, mà để dạy cho các BS Trung Quốc cách đặt câu hỏi. Khi đối diện với một vấn đề, nếu chúng ta biết đặt câu hỏi đúng, chúng ta sẽ có câu trả lời đúng. Nếu chúng ta đặt câu hỏi sai, câu trả lời và cách giải quyết cũng sẽ sai. Đó là chìa khóa thành công của phương pháp làm việc kiểu Mỹ khi đối diện và giải quyết những vấn đề hóc búa. Câu trả lời này đã làm những GS Trung Quốc thích thú vì tôi đã giúp họ tìm ra một chìa khoá dẫn đến thành công.
Câu chuyện thứ hai chỉ mới xảy ra hai tuần trước, khi tôi đang giảng dạy ở Nam Kinh. Một GS đồng nghiệp, và là một tướng 2 sao của Quân đội Nhân dân Trung Quốc đã mời tôi đến giảng dạy tại một hội nghị tim mạch can thiệp vào tháng 4 năm 2011, do một quân y viện lớn nhất vùng Đông Bắc Trung Quốc tổ chức.
Dĩ nhiên, việc được mời là một niềm hãnh diện. Tuy nhiên, nó cũng đem đến một câu hỏi gai góc. Trong vòng 15 năm về trước, khi tôi đến Trung Quốc hay Á châu, tôi có thể báo cáo bất cứ đề tài nào tôi thích. Ngày nay, trình độ về tim mạch ở Trung Quốc và Việt Nam đã rất cao. Vì vậy, tôi phải nói những gì mà không làm cử tọa ngủ gục, và phải thực sự thách đố tư duy của họ (như trong buổi lễ hôm nay chẳng hạn). Nếu tôi muốn được tiếp tục mời giảng dạy trong tương lai, thì những bài giảng của tôi phải chứa đựng những kiến thức rất mới mẻ, rất đặc biệt và rất đột phá.
clip_image006
Đọc diễn văn trong lễ khai mạc hội nghị Vạn Lý Trường Thành ở Bắc Kinh
Tôi tìm ra lời giải đáp của câu hỏi khó khăn trên khi làm việc tại bệnh viện 301 ở Bắc Kinh. Đây là tổng y viện trung ương của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, nơi tôi đến giảng dạy hàng năm từ 1997. Bạn tôi, một Đại tướng, GS Shi Wen Wang đã hỏi tôi có đồng ý nhận các BS đang học chương trình tiến sĩ đến Mỹ tu nghiệp với tôi hay không. Ngạc nhiên trước yêu cầu này, tôi hỏi ngược lại: Các BS Trung Quốc đã làm được tất cả các thủ thuật tim mạch, tại sao họ phải đến Mỹ để học? Vị Đại tướng Trung Quốc trả lời: “Họ phải đến để học cách tư duy của ngừơi Mỹ.” Tôi nghĩ đây là một ý nghĩ mang tính đột phá và cực kỳ đặc biệt. Vị GS, một Đại tướng của Quân đội Nhân dân Trung Quốc nay đã hiểu ra chìa khóa thành công của người Mỹ là từ cách tư duy của họ: Khi tiếp cận một vấn đề, người Mỹ đi thẳng vào sự việc, nhìn vấn đề từ nhiều khía cạnh, có khi từ những góc độ rất khác người, không theo lối mòn hay tuân thủ theo lề trái hay lề phải, vượt ra ngoài các khuôn mẫu định sẵn để giải quyết tận gốc và không “đánh trống bỏ dùi” khi công việc còn dở dang. Tôi hiểu rằng tất cả các yếu tố trên đã mang lại thành công cho cách tư duy và làm việc theo kiểu Mỹ. Từ đó tôi áp dụng và nhấn mạnh lối nghĩ và làm việc đó với các BS GS Trung Quốc và đã mang lại nhiều thành công cho chúng tôi.
Mới 2 tuần trước ở Nam Kinh, tôi đang giảng dạy tại một Bệnh viện Đại học lớn nhất ở đây. Khi BS Giám đốc biết tôi sắp đến Việt Nam với Đại học Illinois tại Chicago để làm việc với Bệnh viện Đại học Y Hà nội, ông ấy khẩn khoản yêu cầu tôi giúp đỡ để hiện đại hóa Bệnh viện Đại học ở đây. Theo ông ta, việc này đòi hỏi những thay đổi rất lớn về hành chánh, nhân sự và nhất là cách suy nghĩ. Đó là một nhận xét mà tôi đã nghe nhiều lần ở Trung Quốc. Khi nhìn đến cách làm việc của người Trung Quốc hôm nay, đừng tưởng đường lối làm việc của họ là bảo thủ đâu. Trung Quốc đang tiến bộ rất nhanh vì người dân và giới lãnh đạo Trung Quốc học lối tư duy mới, dám nói, dám làm, dám nhìn thẳng vào sự thật và dám thay đổi. Không phải cứ khư khư ôm lấy những tư tưởng cũ rích từ 2500 năm về trước (cho dù là của Khổng Tử) hay những mô hình nhảm nhí, mê muội từ nước ngoài vào để tôn sùng, cổ súy và bảo đó là tiến bộ, là sáng tạo, là văn minh. Cần phải có tư tưởng đột phá để thay đổi và phát triển. Đó là lời giải cho sự thành công thần kỳ của một nền kinh tế Trung Quốc hùng mạnh và phát triển vượt bực hôm nay.
Nhưng có một điều đã làm cho mọi người còn ngạc nhiên hơn nữa là tại sao tôi có thể làm việc thành công ở Trung Quốc một cách lâu dài trong suốt 18 năm. Trong thời gian đó, xã hội Trung Quốc đã thay đổi 1000 lần kể từ khi tôi đến Trung Quốc lần đầu năm 1992. Đến nay, đa số các bạn Trung Quốc thuở ban đầu của tôi đã nghỉ hưu. Và tôi đang làm việc với các GS lớp trẻ thuộc thế hệ 2 ở Trung Quốc.
Câu trả lời là chúng tôi (chúng tôi gồm các GS BS Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật bản, Singapore, Việt Nam, Thái Lan…) làm việc dựa trên 5 nguyên tắc cơ bản của Khổng giáo là Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín và đức Dũng của Phật giáo. Trên cơ sở của luân lý Khổng Mạnh và Phật giáo này, chúng tôi hợp tác với một tình bạn trung thực, đối xử trên quan hệ bình đẳng. Đây không phải là mối quan hệ chủ tớ, hay thói người mạnh hiếp đáp kẻ yếu. Chúng tôi cùng làm việc với tâm tình kính trọng lẫn nhau, giúp nhau để không bị người khác lợi dụng hay chèn ép, cộng tác để đi đến thành công chung, có lợi cho tất cả mọi người.
Tôi xin lưu ý các GS, Tiến sĩ khi đến làm việc tại Bắc Kinh, không phải cứ quị lụy, hạ mình luồn cúi thì người Trung Quốc sẽ ban thêm cho chút tình “hữu nghị” và cơ hội “hợp tác” đâu. Người Trung Quốc rất thông minh, họ biết ngay ai là bạn và ai là kẻ xu nịnh sẵn sàng phản bội khi có cơ hội. Xã hội và lịch sử Trung Quốc không hề ca tụng những nịnh thần, những kẻ bán nước cầu vinh mà ngược lại, còn khinh bỉ sâu sắc những kẻ hèn hạ đó nữa. Xin các Thầy và các bạn nhớ một ngạn ngữ rất phổ biến tại Trung Quốc: “Lời chỉ trích xây dựng của một người có giá trị hơn lời ca tụng suông của nghìn kẻ khác”. Ở Bắc Kinh, không ai thèm lắng nghe và cả tin vào những lời ca tụng sáo rỗng giả dối đâu.
Gần 20 năm, sau một phần ba cuộc đời bôn ba giảng dạy ở Trung Quốc, tôi chưa hề đọc được một tác phẩm nào của bất cứ sử gia chân chính người Trung Quốc hay nghe một GS Trung Quốc nào ca ngợi những Trần Ích Tắc, Mạc Đăng Dung hay Lê Chiêu Thống… cả. Trong khi đó, các chiến công và lòng yêu nước của Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo hay Quang Trung Nguyễn Huệ… đã được ghi chép cẩn thận bởi những sử gia Trung Quốc. Mặc dù họ không đồng thuận với lòng yêu nước của các anh hùng hay liệt nữ Việt Nam, nhưng những tấm gương đó luôn được kính trọng và ngưỡng mộ từ Việt Nam, Trung Quốc và ngay tại Mỹ.
GS Masakyo Noboyoshi người Nhật nói với tôi: ông thường nhắc các học giả, viên chức chính phủ Nhật khi đến làm việc tại Bắc Kinh, phải nhớ câu ngạn ngữ thông dụng ở đây: Nếu bạn xử sự như một con lừa thì đừng ngạc nhiên khi có một ngày bị người khác cưỡi lên lưng lên cổ đó.
Hôm nay, trong niềm vinh hạnh được nhận chức danh GS Danh dự tại Đại học Y Hà Nội, tôi đã mở đầu bằng lời cảm ơn các Giáo sư, các Thầy. Nhưng khi kết thúc, tôi xin ngỏ lời cảm ơn các bác sĩ trẻ Việt Nam đã học giỏi, làm việc tốt, đóng góp lớn cho xã hội, công cuộc nghiên cứu y khoa và ngành y tế Việt Nam. Nhờ sự đóng góp to lớn của các BS trẻ đó mà nhà trường và bệnh viện đã nhớ đến tôi ngày hôm nay và tặng tôi danh hiệu GS danh dự nay. Tôi xin cảm ơn các bạn rất nhiều, các BS trẻ Việt Nam.
Hôm nay, cũng như những dịp trước đây, tôi đã cảm ơn các BS trẻ học trò của tôi ở Trung Quốc đã làm việc cật lực. Nhờ công sức của họ, tôi mới vinh dự nhận được nhiều bằng GS danh dự. Thật ra, tôi không dám nhận nhiều chức danh GS danh dự tại Trung Quốc hay Á châu. Hiện có 4 đại học và bệnh viện ngỏ ý tặng tôi chức danh này. Tôi không dám đến nhận vì khi nhận xong, các khoa trưởng và giám đốc bệnh viện đều nói: “Bây giờ ông đã là GS của chúng tôi, xin hãy đến giúp cho các bệnh viện và đại học của chúng tôi thường xuyên hơn”. Nhưng làm sao tôi có thể đến thường xuyên được, vì ngày ngày tôi vẫn phải đi cày kiếm cơm ở Mỹ nữa chứ.
Cuối cùng, nhìn một cách bao quát, do sự phổ biến của công nghệ tin học như điện thoại di động, Internet, facebook… thế giới ngày nay đã và đang trở thành một ngôi làng nhỏ. Khi bước ra thế giới, ước nguyện của người Việt chúng ta là sẽ đóng góp các giá trị cao quí về phẩm cách, tri thức Việt Nam dựa trên niềm tin vào sự thật đối với cho nền hòa bình và thịnh vượng của ngôi làng chung mang tên thế giới.
Mỗi lần về Hà Nội, tôi cảm thấy ấm lòng khi thấy các sinh viên, BS, GS Việt Nam, những người mẹ, những người cha, những người anh, chị và em vẫn hăng hái làm việc trong tinh thần Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín và Dũng. Với những nguyên tắc chỉ đạo đó, tôi tin rằng người Việt Nam có thể hãnh diện ngẩng cao đầu phục vụ xã hội và tự tin làm việc với bạn bè năm châu.
Với những nguyên tắc đạo đức Khổng Mạnh và Phật giáo, chúng ta mới có thể hòa mình với thế giới mà không sợ đánh mất những di sản tinh thần và vật chất, hay đất nước yêu quí mà tổ tiên để lại. Với lòng tự tin và đoàn kết đó, chúng ta mới có thể đối phó một cách mạnh mẽ và hữu hiệu với những khó khăn gây ra do những người láng giềng gần hay xa, trên Biển Đông, bên kia Thái Bình Dương, từ Tây Phương xa xôi hay từ phương Bắc ngàn trùng cách trở qua dãy núi mang tên Thập vạn đại sơn.
Với lòng tự tin, hãnh diện và đoàn kết đó, chúng ta mới có thể ra biển lớn, hòa mình vào ngôi làng thế giới mà không sợ những hành động, thái độ hay lời nói của chúng ta làm tủi hổ cho lịch sử anh hùng, quật cường của cha ông mà chính chúng ta là người thừa kế. Chỉ như vậy, chúng ta mới xứng đáng để hãnh diện với tổ tiên, với chính bản thân và với con cháu chúng ta là tương lai đất nước sau này.
Khi nhìn vào sự cố gắng vượt bực, niềm tự hào, hãnh diện đó trên những khuôn mặt Việt Nam già và trẻ hôm nay, tôi vững tin vào một tương lai rạng rỡ, hưng thịnh của tố quốc và dân tộc Việt Nam, thế giới mà mọi chúng ta là những thành phần gắn bó.
Cuối cùng, tôi xin tặng thư viện của Đại học Y Hà Nội ba cuốn sách của tôi và một cuốn sách về lịch sử tim mạch Trung Quốc. Cuốn đầu tiên là “Điều trị các vấn đề tim mạch học phức tạp”, xuất bản bằng tiếng Anh tại Hoa Kỳ. Nhiều đồng tác giả của cuốn sách này đang có mặt tại đây. Cuốn thứ hai là ấn bản tiếng Tây Ban Nha của cuốn sách trên được xuất bản tại Barcelona, Tây Ban Nha. Cuốn thứ ba do nhà xuất bản Y học Nhân dân Trung Quốc, một nhà xuất bản sách y học của chính phủ Trung Quốc ở Bắc Kinh in mà tôi là tác giả chính. Cuốn thứ tư viết bằng tiếng Trung Quốc nhắc tôi lịch sử tim mạch Trung Quốc trong đó hình của tôi in giữa những người đi mở đầu cho ngành tim mạch can thiệp ở Trung Quốc.
Với những ý tưởng khiêm tốn và hành động nhỏ bé này, tôi xin kết lời và cảm ơn các thầy, các GS, các bạn trẻ Việt Nam đã lắng nghe.
T. N.
Nguồn: xa.yimg.com